Translate

Hỗ Trợ Trực Tuyến
Donghanhviettravels giamdocdonghanhviettravel dieuhanhdonghanhviet
kinhdoanhdonghanhviet infodonghanhviettravel huynhtamdonghanhviet

Tour Phổ Biến

Củ Chi: từ hầm bí mật đến địa đạo chiến đấu

Cuộc chiến trong lòng đất (kỳ 5):
Kháng chiến dẻo dai nhờ khoai với củ
Đào hầm lủ khủ nhờ củ với khoai…
Giọng lảnh lót của cô bé quảy gánh khoai đi đến đâu làm chỗ đó bật lên tiếng cười. Mấy chú mấy anh đang đào hầm giả bộ làm mặt chê: “Bộ mày hết bài hát sao mà ngày nào cũng cứ bấy nhiêu hát đi hát lại hoài vậy, Bảy?”. Con bé ngúng nguẩy trề môi làm thêm câu chót: Có củ với khoai đào hoài hổng mệt! Ai nấy cười rần.
“Con bé” đó là… bà Bảy Mia cách đây 55 năm trước, hiện đang sống ở ấp Cây Da, xã Tân Phú Trung, huyện Củ Chi, TP.HCM. Ngày đó Bảy Mia mới có 12 tuổi, là thiếu nhi, được phân công nhiệm vụ tiếp tế khoai lang, khoai mì cho mấy chú mấy anh đào địa đạo chống giặc Pháp.
Làng ngầm đầu tiên trong lòng đất
Trụ sở UBND xã Tân Phú Trung nhỏ bé nằm nép mình bên đường xuyên Á mới toanh, to lớn, hiện đại vùn vụt xe cộ chạy qua. Xã nằm giữa đoạn Sài Gòn đi Củ Chi về hướng Tây Ninh. Ông Hai Nhân, một cán bộ của Mặt trận Tổ quốc xã, xăng xái dắt tôi đi tìm bà Bảy Mia, không quên tranh thủ giới thiệu đầy vẻ tự hào: “Ở đây đường giao thông nông thôn đều nhựa hết rồi !”.
Quả vậy. Đường đẹp thì nhà cũng đẹp. Thấp thoáng dưới những tán xanh vườn tược là những ngôi nhà mái ngói êm đềm. Cảnh thanh bình như muốn rủ rê bất cứ lữ khách nào ghé vào vườn, đánh một giấc trưa nồng nàn dưới tán me, gốc ổi… Bà Bảy Mia vừa bán sữa đậu nành cho mấy đứa nhỏ học Trường mẫu giáo Bông Sen, vừa đưa tay chỉ: “Ở dưới nền trường đó cũng là địa đạo, chạy dài từ đó ra tới Đồng Trảng, cả cây số có dư”.
“Hồi đầu nhà tui làm hầm bí mật trốn Pháp. Ở đây nhà nào cũng vậy”, bà kể. Vì là hầm bí mật nên của ai nấy biết. Có người đào hầm dưới chiếc phản trong nhà, phía dưới lu nước hoặc giữa lòng giếng khơi: ở bên thành giếng trổ một ngách vào lòng đất. Phổ biến nhất là hầm đào dưới những bụi gai mây hoặc giữa bụi tre. Đó thường là những bụi tre bình thường được trồng làm ranh giới hàng rào giữa các vườn nhà.
Được trồng từ đời này sang đời khác nên chúng mọc bít bùng, rậm rạp. Hầm được đào dọc theo các bụi tre và miệng hầm trổ lên giữa bụi. Khi có động thì khéo léo trèo vào giữa bụi tre, thả mình gọn gàng xuống miệng hầm nhỏ nhắn chui vừa đủ thân người.
Một kiểu khác phổ biến là kiểu hầm nằm ngay trên mặt đất bằng phẳng, được đào ở bất kỳ đâu trong vườn, nơi địch ít ngờ nhất. Miệng hầm mở vừa khít một thân người, đóng khung gỗ để tránh sạt lở. Khi có động, người cuối cùng xuống hầm nâng nắp đậy lại, ngụy trang lá mục bên trên.
Ông Hai Thành (Phạm Tấn Thành) - nguyên là du kích Củ Chi, sau này theo bộ đội chủ lực đầu quân cho trung đoàn Quyết Thắng (trung đoàn Gia Định sau này), nguyên đại tá chủ nhiệm Cục Hậu cần Quân khu 7, nay là chủ tịch Hội Cựu chiến binh huyện Củ Chi - vừa cười vừa kể: “Hồi đó tôi còn nhỏ, nghe kể lại là ở Tân Phú Trung có hai ông nọ theo Việt Minh đánh Tây, bị nó ruồng bố nên đào hầm bí mật trốn. Hầm bí mật nên mỗi ông tự đào, ai đào nấy biết. Bỗng hôm nọ hai ông đào… phụp hầm nhau (thông nhau). Vậy là ý tưởng nối thông các hầm bí mật thành địa đạo ra đời”.
Ông Sáu Liễng (Võ Tấn Tạo), một trong những người đầu tiên bổ nhát cuốc vào lòng đất làm nên địa đạo Tân Phú Trung - Phước Vĩnh An, chia sẻ: “Chuyện vì sao địa đạo ra đời thì có nhiều giai thoại lắm nhưng chính là như thế này: vì mỗi nhà làm hầm bí mật một phách nên kỹ thuật ngụy trang chưa tốt, thỉnh thoảng địch vẫn phát hiện được. Trong khi đó lúc này giặc Pháp ruồng bố rất tàn khốc. Trận càn nào của giặc cũng có người chết chóc, phụ nữ bị hãm hiếp.
Vì thế đến năm 1946, chi bộ xã quyết định những đồng chí cùng hoạt động, những gia đình thân thuộc ở kế cận nhau nên trổ vách trú ẩn chung. Cứ bình quân năm nhà kế cận thì đào liên thông nhau. Từ đó địa đạo ngũ gia hình thành”. “Nói là ngũ gia nhưng thật ra cũng có khi sáu gia đình, có khi ba gia đình, tùy địa hình mà nối kết lại với nhau”, bà Bảy nói.
Nhà bà Bảy Mia, ông Tư Tò, Tư Tô, Hai Tí chung một địa đạo. Các xóm Bà Giã, Cây Da, Bàu Sim, Giồng Sao, Phú Lợi lúc này hình thành một làng ngầm trong lòng đất. Bình thường thì bà con vẫn ra ruộng ra đồng, nhưng khi có động là tất cả đều rút xuống hầm bí mật, chỉ còn lực lượng dân quân, du kích bên trên, vừa chống càn vừa dẫn dụ địch vào trận địa.
“Sống dưới địa đạo nó khổ trần ai khoai củ tụi bây ơi!...”, bà Bảy nhớ lại và kêu trời. Bà sợ nhất là bị ngứa, bị lở loét. Dưới hầm sâu đất ẩm, thiếu dưỡng khí lại tối tăm nên là điều kiện tự nhiên rất tốt cho các thứ bệnh ngoài da.
Nhưng sợ nhất là bị giời leo: ban đầu da nóng như bị lửa đốt, sau đó phồng rộp lên và chảy nước, lở loét rất khó lành. Vết loét do giời leo còn độc địa ở chỗ là rất đau đớn, “đụng vào là thốn tới óc sọ”, bà Bảy Mia kinh hoàng. “Sợ giời thì sợ nhưng Pháp nó tới là cũng vọt xuống con ơi. Pháp nó còn ghê hơn!” - bà so sánh.
Những trận đánh đầu tiên từ địa đạo
Du kích Củ Chi chiến đấu tại chiến hào - Ảnh tư liệu
Qua những năm 1950 thì chiến trường ngày càng thêm ác liệt. Không còn những trận càn nhỏ lẻ nữa mà địch tập trung đánh phá bằng những chiến dịch lớn với quân số đông và khí tài hiện đại hơn.
Lúc này từ các cửa địa đạo du kích đã trổ thêm hệ thống chiến hào, hình thành các ổ chiến đấu, chặn giặc từ vòng ngoài, chuyển từ trốn tránh sang phản công - phòng thủ.
Tìm cách trốn tránh trong lòng đất nhưng giặc Pháp được sự chỉ điểm của Việt gian thì nó đâu có tha, khi phát hiện được chúng tìm mọi cách lần theo đánh phá. “Nó lần theo đánh thì mình tìm cách đánh trả”, sự hình thành địa đạo chiến ban đầu đơn giản như cách lý giải của ông Sáu Liễng.
Lúc này làng làng ấp ấp, người lớn thì vừa làm đồng làm ruộng vừa đào địa đạo; trẻ con thì tiếp tế và vót chông. Ngay miệng địa đạo thường được ngụy trang nhiều hố chông tre.
Chông tre chẻ đôi theo kiểu lá hẹ, ngâm dầm dề trong nước ao tù, nước tiểu, nước rửa chén hoặc hầm phân heo nhiều ngày nên rất độc. “Thằng giặc nào xui sập hố chông không lủng ruột chết ngay thì cũng bị phong đòn gánh (uốn ván) mà chết trong đau đớn” - ông Sáu Liễng nói.
Nhưng không chỉ đánh Tây bằng chông một cách đơn giản vậy. Ông Hai Thành cho biết về sau khi giặc qua được cửa ải đầu tiên (miệng địa đạo) và lần dò vào sâu bên trong thì du kích tìm cách đánh khác: đường địa đạo đi thẳng, du kích trổ một ngách ngang rồi đào song song, khoảng cách hai vách đất chừng 1-2 phân.
Ở giữa hai vách khoét một lỗ nhỏ để quan sát. Khi địch lần theo, phát hiện chúng vừa lò dò tới lỗ quan sát thì rút lao tre… xiên ngang hông, bách phát bách trúng! Những thằng Tây bị xiên kiểu đó chỉ còn nước chịu chết vì bọn tiếp ứng rất khó khiêng được xác ra do lao tre “đóng đinh” chúng vào vách đất.
Tháng 7-1950, lần đầu tiên lính Pháp huy động cùng lúc năm tiểu đoàn hành quân đánh phá vào Tân Phú Trung, Phước Vĩnh An với ý đồ phá hủy và bóc dỡ hệ thống địa đạo kỳ lạ trong lòng đất. Cuộc đánh trả không cân sức kéo dài suốt 15 ngày đêm... Cuối cùng lực lượng cách mạng buộc phải để người già, trẻ em ra vùng kiểm soát vì không thể để người dân sống lâu trong lòng đất. Du kích cũng lần theo địa đạo thoát khỏi vùng kềm tỏa.

Trận ác liệt thứ hai diễn ra vào ngày 27-1-1951. Quân Pháp tập trung cả thủy - lục - không quân đánh phá ác liệt suốt bảy ngày đêm ở các xã An Phú, Hòa Phú làm 153 cán bộ, chiến sĩ và dân thường tử vong.
Tháng 9-1952, trận lụt năm Thìn dữ dội gây ngập cả miền Đông Nam bộ làm cho phần lớn hệ thống địa đạo hư hỏng. Đây là những năm tháng gian khó nhất của quân và dân ở vùng khai sinh ra địa đạo. Nhân cơ hội này địch càng tập trung đánh phá. Chúng dùng đại bác phá hủy nhiều hầm hào. Chúng chặt hết cây cối, vườn tược và lùa đồng bào đi trước để chúng tiến phía sau, sục sạo tìm địa đạo.
Nhiều đồng bào, chiến sĩ bị bắt, bị giết. Cuối cùng chúng đánh bật được lực lượng vũ trang của ta ra ngoài và lập một tiền đồn tại ấp Cây Da để bình định cả vùng. Trước tình hình đó, cách mạng đưa ra chủ trương “Trường kỳ mai phục - Tích trữ lương thực - Chờ đợi thời cơ”.
Năm 1954, thời cơ đến. Nhân dân hai xã anh hùng Tân Phú Trung - Phước Vĩnh An vùng lên san bằng bót Cây Da, tái hiện hình ảnh cuộc khởi nghĩa Nam kỳ anh dũng. Nhưng lần này cuộc khởi nghĩa không bị dìm trong bể máu: cờ đỏ sao vàng tung bay trên khắp quê hương anh hùng.

 

Địa đạo Củ Chi

Địa đạo Củ Chi là một hệ thống phòng thủ trong lòng đất ở huyện Củ Chi, cách Thành phố Hồ Chí Minh 70 km về hướng tây-bắc. Hệ thống này được Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam đào trong thời kỳ Chiến tranh Đông DươngChiến tranh Việt Nam. Hệ thống địa đạo bao gồm bệnh xá, nhiều phòng ở, nhà bếp, kho chứa, phòng làm việc, hệ thống đường ngầm dưới lòng đất. Hệ thống địa đạo dài khoảng 200 km và có các hệ thống thông hơi vào các vị trí các bụi cây. Địa đạo Củ Chi được xây dựng trên vùng đất được mệnh danh là "đất thép", nằm ở điểm cuối Đường mòn Hồ Chí Minh. Trong Chiến dịch Tết Mậu Thân 1968, Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam đã sử dụng hệ thống địa đạo này để tấn công Sài Gòn.
Cư dân khu vực đã đào các hầm, địa đạo riêng lẻ để tránh các cuộc bố ráp càn quét của quân đội Pháp và để cung cấp nơi trú ẩn cho quân Việt Minh. Mỗi làng xây một địa đạo riêng, sau đó do nhu cầu đi lại giữa địa đạo các làng xã, hệ thống địa đạo đã được nối liền nhau tạo thành một hệ thống địa đạo liên hoàn, phức tạp, về sau phát triển rộng ra nhiều nơi, nhất là 6 xã phía Bắc Củ Chi và cấu trúc các đoạn hầm, địa đạo được cải tiến trở thành nơi che giấu lực lượng, khi chiến đấu có thể liên lạc, hỗ trợ nhau.
Trong thời gian 1961–1965, các xã phía Bắc Củ Chi đã hoàn thành tuyến địa đạo trục gọi là "xương sống", sau đó các đoàn thể, cơ quan, đơn vị phát triển địa đạo nhánh ăn thông với tuyến trục hình thành những địa đạo liên hoàn giữa các ấp, các xã và các vùng. Bên trên mặt đất, quân dân Củ Chi còn đào cả một vành đai giao thông hào chằng chịt nối kết với địa đạo, lúc này địa đạo chiến đấu cũng được đào chia thành nhiều tầng, nhiều ngõ ngách. Ngoài ra, bên trên địa đạo còn có rất nhiều ụ chiến đấu, bãi mìn, hố đinh, hầm chông... được bố trí thành các cụm liên hoàn tạo ra trận địa vững chắc trong thế trận chiến tranh du kích, gọi là xã chiến đấu.
Đến năm 1965, có khoảng 200 km địa đạo đã được đào. Về quy mô, hệ thống địa đạo có tổng chiều dài toàn tuyến là trên 200 km, với 3 tầng sâu khác nhau, tầng trên cách mặt đất khoảng 3 m, tầng giữa cách mặt đất khoảng 6 m, tầng dưới cùng sâu hơn 12 m. Lúc này, địa đạo không chỉ còn là nơi trú ẩn mà đã trở thành nơi sinh sống, cứu thương, hội họp, kho chứa vũ khí...
Địa đạo được đào trên một khu vực đất sét pha đá ong nên có độ bền cao, ít bị sụt lở. Hệ thống địa đạo nằm sâu dưới lòng đất, có thể chịu được sức công phá của các loại bom tấn lớn nhất của quân đội Mỹ. Không khí được lấy vào địa đạo thông qua các lỗ thông hơi. Các khu vực khác nhau của địa đạo có thể được cô lập khi cần.
Cuộc sống dưới địa đạo thiếu ánh sáng, ẩm ướt và nóng bức và điều kiện vệ sinh kém nên hầu như đa số những người sống ở địa đạo đều bị ký sinh trùng, bạc da và các bệnh về xương. Ngoài ra, việc thiếu thốn lương thực, thực phẩm và nhu yếu phẩm cũng là vấn đề lớn nhất của cư dân địa đạo.
Quân đội MỹQuân lực Việt Nam Cộng hòa đã liên tục tấn công vào hệ thống địa đạo bằng đủ phương tiện: bom, bơm nước vào địa đạo, hơi ngạt... nhưng do hệ thống địa đạo được thiết kế có thể cô lập từng phần nên bị hư hại không nhiều. Quân đội Mỹ đã áp dụng nhiều biện pháp để phát hiện các cửa vào (được ngụy trang) và phát hiện các cửa thông gió (thường được đặt giữa các bụi cây). Biện pháp hữu hiệu nhất là sử dụng chó nghiệp vụ. Ban đầu có một số cửa vào và lỗ thông gió bị chó nghiệp vụ phát hiện do chó ngửi được hơi người. Tuy nhiên, sau đó, những người ở dưới địa đạo đã dùng xà phòng của Mỹ đặt ở cửa hầm và cửa thông gió nên chó nghiệp vụ không thể phát hiện ra.
Hiện nay, Ban Quản lý Khu di tích lịch sử Địa đạo Củ Chi (trực thuộc Bộ Chỉ huy Quân sự thành phố Hồ Chí Minh) trực tiếp quản lý cả hai di tích địa đạo Bến Dược và địa đạo Bến Đình. Khu di tích gồm có hệ thống địa đạo (Bến Dược, Bến Đình), đền Bến Dược, khu quản trị, khu dịch vụ, khu vực tái hiện vùng giải phóng và vành đai diệt quân Mỹ, khu du lịch sinh thái - giải trí ven sông Sài Gòn.

Địa đạo Củ Chi ở xã Phú Mỹ Hưng
Di tích địa đạo Củ Chi ở xã Phú Mỹ Hưng nằm phía Bắc Củ Chi là một hệ thống gồm hầm, địa đạo, giao thông hào, ụ chiến đấu, chủ yếu tập trung ở ấp Phú Hiệp thuộc xã Phú Mỹ Hưng với diện tích gần 100 mẫu: Tây Bắc giáp sông Sài Gòn, Đông Bắc giáp ấp Phú Lợi, Tây Nam giáp ấp Lộc Thuận, Lộc Hưng (Trảng Bàng) và Đông Nam giáp ấp Phú Hòa. Chọn Phú Hiệp lập hệ thống địa đạo là bởi vùng đất cao, lòng đất lẫn đá sỏi rắn chắc, có thể chịu sức ép bom 500kg và xe cơ giới của địch. Đây là khu rừng chồi, tre và cao su lẫn lộn rất thích hợp cho địa hình du kích chiến.
Năm 1961, địa đạo ở xã Phú Mỹ Hưng chỉ là những đường hầm ngầm sâu trong lòng đất, kéo dài vài chục thước, đôi khi giao nhau, chồng chéo... cốt tránh địch hơn là đối phó. Năm 1962, khi cuộc chiến chống đế quốc Mỹ bước sang giai đoạn quyết liệt, đồng chí Võ Văn Kiệt, lúc này là bí thư Khu ủy Sài Gòn - Gia Định chỉ thị thành lập Ban chỉ đạo xây căn cứ có tên gọi là căn cứ Phú Hiệp do đồng chí Mười Phước - chỉ huy trưởng, các đồng chí: Tư Đạt, Năm Long, Ba Lùn, Tư Hùng - ủy viên và đồng chí Tám Trương - trưởng văn phòng cùng một số chiến sĩ thuộc tiểu đoàn Vinh Quang.
Công trình lấy ngày kỷ niệm thành lập Đảng (3 tháng 2) khởi công. Theo bản thiết kế, địa đạo được xây dựng dựa theo kinh nghiệm từ trước, bằng cách cứ khoảng 16m tạo một giếng, đường kính 0,6m, sâu 3m, khi giáp mí thì lấp miệng. Từ đáy giếng dùng cuốc chim khoét sâu tạo địa đạo có chiều ngang 50cm, cao 80cm. Địa đạo gồm các ngóc ngách theo thế vừa chiến đấu, vừa tiếp nối từ hầm này đến hầm khác thành một thế liên hoàn được tính toán hết sức khoa học. Bởi vậy có những đoạn cắt ngắn, có đoạn song song, đoạn giao nhau, đoạn trên đoạn dưới, vòng vèo, quanh co, kéo dài đến trên 100 cây số.
Những nơi giao nhau hoặc sắp vào miệng hầm, địa đạo hẹp dần, có khi phải trườn hoặc chui vào miệng hầm. Những giao điểm đặc biệt của địa đạo có chốt an toàn. Chốt là một khúc gỗ, đầu nhọn dài hoặc khối mủ cao su đường kính 40cm có dây dài. Để bịt kín địa đạo chỉ cần kéo mạnh dây, nút thắt cao su, hoặc khúc gỗ sẽ bịt kín đường hẹp địa đạo. Chốt an toàn nhằm ngừa địch sử dụng hơi cay hoặc bơm nước độc xuống địa đạo.
Miệng địa đạo là một trong những cấu trúc đặc biệt, rất tinh vi thường lẫn lộn trong bụi rậm, gò mối, kích thước vừa vặn một người chui vào 30cm x 40cm. Nắp hầm là mảnh gỗ dày 10cm, mặt khỏa cỏ tươi, chụp vừa miệng hầm. Những lỗ thông hơi được tạo theo đường xiên 45o, núp trong các bụi rậm khó phát hiện. Tại các miệng xuống địa đạo, thỉnh thoảng có bẫy chông, là mảnh ván bắc ngang, dưới đặt bàn chông. Kẻ lạ bước lên, lập tức rơi xuống bẫy.
Địa đạo ở xã Phú Mỹ Hưng chia làm 3 khu: Khu trung tâm dành cho các cán bộ lãnh đạo cao cấp. Khu bên phải gồm hầm văn phòng và hầm hội họp. Khu bên trái nơi đóng quân của tiểu đoàn Vinh Quang (đội phòng vệ). Điểm nổi bật của khu địa đạo ở xã Phú Mỹ Hưng là các hầm âm trong lòng đất. Những căn hầm xây dựng cho văn phòng, y tế, hậu cần, cơ yếu, văn nghệ... cả bếp Hoàng Cầm (bếp ém khói) tập trung khu vực mạn Đông con suối Thai Thai gọi là vườn quít. Mỗi hầm cách nhau 50 đến 70m, có kích thước như một hình vuông từ 3m đến 3,5m. Địa đạo nối các hầm thường vòng vèo và qua một chốt bảo vệ.
Hầm tại khu trung tâm được mô tả như là một trong những kỳ công của khu địa đạo Phú Mỹ Hưng. Tại đây có hầm làm việc của Chính ủy, Tư lệnh và Phó tư lệnh, các khu ủy và hầm họp. Mỗi hầm cách nhau khoảng 400 đến 500m, thông nhau qua địa đạo. Tất cả những hầm này đều xây dựng trong khu vực đất rắn pha đá sỏi, nằm sát mí vườn nhà của hai ông: Hai Bao và Tám Cắt. Trước tiên hầm hình thành như một hố sâu, ngang 2m, rộng 3,5m, sâu 3,5m (kể cả nóc hầm cách mặt đất 1,8m).
Nóc hầm được làm bằng các đà bê tông thả ngang, sau đó lấp kín hoàn toàn bên trên. Trong hầm, hai bên vách có giàn cây chịu lực hình chữ A có thể mắc võng nằm. Một số hầm có trét xi-măng chống thấm. Miệng hầm nối địa đạo thường qua một chốt gác. Từ đây, địa đạo có ngã rẽ chia hai. Một địa đạo đặc biệt dẫn dài đến mé sông Sài Gòn và trổ lên trong bụi ô rô. Khi có mật hiệu, ghe bên kia sông sẽ sang rước khách đặc biệt vào căn cứ Thanh Tuyền (bên kia sông Sài Gòn thuộc Bình Dương).
Các hầm trong khu trung tâm đều có dạng cấu trúc tương tự và đều có địa đạo riêng thông với địa đạo đặc biệt nhằm đối phó khi có tình huống nguy hiểm. Trong thời gian tạm lánh tại địa đạo Phú Mỹ Hưng, các đồng chí cán bộ lãnh đạo cấp cao thường lên khỏi địa đạo đến thăm, đàm đạo với người dân trong ấp cũng như gia đình ông Hai Bao và Tám Cắt. Khu bên trái tức khu bố phòng của tiểu đoàn Vinh Quang với số lượng hầm ít hơn, cấu trúc thông thường như hầm hành chánh, kích thước 3m x 3,5m. Một chiến tuyến vững chắc hình thành một vòng cung bảo vệ khu trung tâm là một hệ thống giao thông hào xen kẽ ụ chiến đấu.
Giao thông hào sâu từ 1,2m đến 1,4m, ngang 0,5m, chạy vòng vèo theo địa hình và kỹ thuật chiến đấu, cắt quãng hoặc tiếp nối các ụ chiến đấu. Uụ chiến đấu sử dụng bắn máy bay gồm rãnh tròn đường kính 3m bao quanh mô đất cao quá đầu người, ở giữa. Xạ thủ dùng mô đất vừa đặt súng, vừa làm vật cản, chạy quanh mô đất núp bắn máy bay địch. Có ụ chiến đấu là hố sâu chứa từ 3 đến 5 người. Xạ thủ bố trí nhiều mặt chiến đấu. Trong khu địa đạo Củ Chi có một giao thông hào song song con lộ 6 bố trí nhiều ụ chiến đấu, trang bị hỏa lực mạnh nhằm lừa địch, nhử địch, chặn địch và tiêu diệt địch. Ngoài ra bốn mặt khu địa đạo Phú Mỹ Hưng (căn cứ Phú Hiệp) còn có 4 trạm thông tin, báo động, trang bị máy móc hiện đại.
Những đồng chí lãnh đạo cấp cao thường đến làm việc và ở tại căn cứ Phú Hiệp đôi lần trong thời gian vài ngày đến vài tháng như:
·  Đ/c Nguyễn Văn Linh (bí thư Khu ủy Sài Gòn - Gia Định từ 1965 - 1975);
·  Đ/c Võ Văn Kiệt (bí thư Khu ủy Sài Gòn - Gia Định từ 1960 - 1965);
·  Đ/c Trần Bạch Đằng - Uủy viên thường vụ Khu ủy (1960 - 1965), bí thư Phân khu 6 (tháng 10 - 1967);
·  Đ/c Mai Chí Thọ - phụ trách An ninh (1965 - 1975);
·  Đ/c Uút Một - Khu ủy viên phụ trách Tuyên huấn;
·  Đ/c Nguyễn Văn Tứ - Khu ủy viên phụ trách Tổ chức công an;
·  Đ/c Năm Đang - Khu ủy viên phụ trách Tổ chức phụ nữ;
·  Đ/c Hai Mơ - Khu ủy viên phụ trách Quân sự;
·  Đ/c Tám Lê Thanh, Trần Hải Phụng...
Tháng 1/1966, Mỹ huy động hàng ngàn tăng, pháo binh, không quân, hải quân và trên 3.000 quân đổ xuống vùng tam giác sắt (bao trùm cả địa đạo Phú Mỹ Hưng). Đây là trận càn mang tên Crimp (cái bẫy) với đầy đủ vũ khí, kỹ thuật tối tân, cốt phá hệ thống địa đạo. Các du kích luồn trong địa đạo, lúc ẩn lúc hiện, đánh phủ đầu rồi lại biến mất. Cuộc hành quân tốn kém nhưng không thực hiện được ý đồ, nên một năm sau, ngày 8/1/1967, địch tiếp tục mở cuộc càn lớn mang tên Cedarfall với trên 12.000 quân lính đủ các binh chủng, được yểm trợ tối đa của phi cơ, pháo binh, thiết giáp đánh phá ác liệt khu địa đạo Phú Mỹ Hưng và phụ cận.
Chúng đưa pháo đài bay B52 rải thảm bom, dội pháo từng đợt, sau đó đưa trực thăng đổ quân ào ạt. Một đại đội chuyên phá hầm và địa đạo, được huấn luyện tại Đồng Dù, sử dụng chó, súng phun lửa, hóa chất, xe ủi hạng nặng và hàng chục trực thăng chở nước bơm xuống địa đạo. Chúng dùng xe ủi đất 60 tấn, có móc thọc sâu xuống địa đạo đoạn đưa mìn vào đánh. Chúng chia mỗi tốp 4 tên, hai tên xuống địa đạo, trang bị mặt nạ, đặt mìn, chuyền dây phá địa đạo. Dùng bom xăng đặc, đốt cháy cả khu rừng, biến xóm làng thành bình địa. Nhiều đoạn địa đạo sụp, xóa mất các chốt, các miệng hầm. Mỹ thú nhận: "tìm thấy miệng địa đạo, nhưng thiếu kinh nghiệm, không thu được gì!".
Giữa tháng 3/1967, Mỹ lại tiếp tục mở trận càn Manhattan, sử dụng tăng kèm bộ binh từ Đồng Dù càn lên căn cứ Phú Hiệp (địa đạo Phú Mỹ Hưng). Du kích sử dụng B40 và B41. Trận chiến diễn ra ác liệt. Địch gọi B52 rải bom. Vài đoạn địa đạo bị sụp so với hàng chục cây số địa đạo. Lại thất bại trong mưu đồ "xóa sổ" khu địa đạo Phú Mỹ Hưng, địch sử dụng cỏ Mỹ (loại cỏ gặp mưa phát triển rất nhanh) cao từ 2 đến 3m, thân to và sắc, lấn át các thứ cỏ khác, gây khó khăn đi lại và rất dễ phát hiện dấu vết. Mùa khô chúng đốt cỏ nhằm phát hiện miệng địa đạo, rải máy đếm tiếng động của người để gọi pháo dập, hoặc gài mìn râu, mìn cóc và tiếp tục mở hàng trăm cuộc càn phá lẻ tẻ nhưng tất cả đều phá sản. Các chiến sĩ vẫn tiếp tục tập kích, lúc ẩn lúc hiện, chặn đầu, khóa đuôi, gây tổn thất nặng nề cho sư đoàn "Tia chớp nhiệt đới", "Anh cả đỏ" và sư đoàn 25 ngụy, làm cho địch bàng hoàng, sửng sốt.
Ngày nay, để tưởng nhớ công lao bao chiến sĩ anh dũng hy sinh vì sự nghiệp giải phóng dân tộc và đất nước, một khu đền tưởng niệm được xây dựng hết sức trang trọng và uy nghi tại Bến Dược. Trên văn bia đặt trước đền có đoạn ghi "...Chiến thắng lớn đến từ hy sinh to lớn. Ai đếm khăn tang, ai đong máu chiến trường? Con của mẹ ra đi không bao giờ trở lại, mẹ khóc mỗi hoàng hôn... chim bay về núi tối rồi...". Địa đạo Phú Mỹ Hưng được Bộ Văn hóa cấp bằng công nhận di tích theo quyết định số 54/VHQĐ ký ngày 29/4/1979.

Bếp Hoàng Cầm
Là loại bếp dã chiến, mang tên đồng chí Hoàng Cầm (1916-1996), quê ở thị trấn Tam Đảo, huyện Tam Đảo, tỉnh Vĩnh Phúc, nguyên là Tiểu đội trưởng nuôi quân thuộc Đội điều trị 8 Sư đoàn 308, sáng tạo ra từ chiến dịch Hoà Bình năm 1951. Bếp Hoàng Cầm được sử dụng từ năm 1951-1952, nhanh chóng phổ biến ở các đơn vị. Đặc biệt, bếp Hoàng Cầm được sử dụng rộng rãi tại các đơn vị tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ, kể cả dân công hoả tuyến. Sau này bếp được cải tiến, hoàn thiện và sử dụng trong kháng chiến chống Mỹ như ở địa đạo Vĩnh Linh, địa đạo Củ Chi....
Cách làm bếp Hoàng Cầm như sau: Bếp được đào dưới đất thành một hầm chữ nhật, chiều dài 1,5 đến 1, 8 mét, chiều rộng 1, 2 đến 1,5 mét, sâu 0,70 đến 0,80 mét gồm: Hồ đun, trên đặt nồi (chảo), hố ngồi nấu ( dành cho người nấu), trên có mái che tránh mưa, nắng, bụi ( mái che là tán cây, hoặc gác cành cây trên lợp bằng cỏ tranh hay đóng cọc căng tăng che). Hố đun, hố ngồi nấu tuỳ thuộc vào tình hình cụ thể như vị trí khu đặt bếp, kích thước nồi, chảo, chiều cao trung bình của người nấu mà đào hố cho vừa đủ chỗ đặt nồi, thao tác khi nấu và chứa củi. Từ hố đun, đào một hệ thống hai đường đường dẫn khói, tản khói. Cách một đoạn đào một hầm chứa khói. Từ hầm chứa khói làm hai đường rãnh vừa để tản khói vừa là rãnh thoát nước. Trên rãnh đặt những cành cây và phủ một lớp đất mỏng được tưới nước để giữ độ ẩm. Khi đun, khói từ trong lò bếp bốc lên qua các đường rãnh dân khói chỉ còn là một dải hơi nước tan nhanh khi rời khỏi mặt đất. Do đó có thể nấu bếp ban ngày, ngay cả khi máy bay trinh sát của đối phương bay trên đầu không bị lộ khói và lửa, kể cả khi đun củi còn ướt.
Đại tá, Giáo sư - Tiến sỹ Đặng Hiếu Trung, nguyên là chuyên viên đầu ngành của Khoa Tai mũi họng Bệnh viện Quân y 108 cho biết: Trong chiến dịch Điện Biên Phủ, ông là Đội trưởng Đội Điều trị 8, thuộc Đại đoàn 308. Đội điều trị 8 đóng cạnh suối Hồng Lếch, cách hầm Đờ Cát chỉ 4 km đường chim bay về phía tây. Đội Điều trị 8 có trên 100 người cộng với thương binh vì thế mặc dầu trong hoàn cảnh chiến trường, khó khăn, thiếu thốn, bom đạn của kẻ thù nhưng Tiểu đội trưởng nuôi quân Hoàng Cầm cùng tổ nuôi quân vẫn đảm bảo cơm nóng, canh ngọt cho Đội và thương binh.

Trong hồi ức “Đường tới Điện Biên Phủ” của Đại tướng Võ Nguyên Giáp (NXB QĐND- 2001), có đoạn viết: “Sẽ là một thiếu sót nếu không nhắc ở đây một sáng kiến đã mang lại sự cải thiện rất quan trọng trong đời sống các chiến sỹ ngoài mặt trận. Khói lửa từ những bếp của anh nuôi đã nhiều lần làm lộ vị trí trú quân, dẫn đến những tổn thất xương máu.... Một chiến sỹ nuôi quân ở trạm quân y của Đại đoàn 308 có sáng kiến đào những đường rãnh thoát khói bên sườn núi, nối liền với lò bếp, bên trên rãnh đặt những cành cây và phủ một lớp đất mỏng được tưới nước để giữ độ ẩm. Khói từ trong lò bếp bốc lên qua một đường rãnh chỉ còn là một dải hơi nước tan nhanh khi rời khỏi mặt đất. Từ đó anh nuôi có thể thổi nấu ban ngày, ngay cả khi máy bay trinh sát địch bay trên đầu được ăn cơm nóng, uống nước nóng

Đền tưởng niệm Bến Dược - Củ Chi

Đền tưởng niệm Bến Dược - Củ Chi là khu vực tưởng niệm những anh hùng của Việt MinhMặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam trong Chiến tranh Đông DươngChiến tranh Việt Nam.

Cổng tam quan


Được thết kế theo phong cách cổ truyền của dân tộc với các hàng cột tròn, trên lợp ngói âm dương. Cổng có hoa văn, họa tiết, mái cong của những cổng đình làng nhưng được cách tân bởi những vật liệu mới. Chính giữa cổng tam quan là biển đề: Đền Bến Dược và trên các thân cột là những câu đối của nhà thơ Bảo Định Giang:
Trải tấm lòng son vì đất nước,
Đem dòng máu đỏ giữ quê hương
Lòng biết công ơn nhang thơm một nén
                                           Đời còn bóng dáng sao sáng ngàn năm

Nhà văn bia

Cổng Tam Quan và Nhà văn bia
Là một nhà vuông có hai mái, lợp ngói, ở giữa đặt một tấm bia đá cao 3m, ngang 1,7m, dày 0,25m, nặng 3,7 tấn. Tấm bia đá này được lấy từ khối đá nặng 18 tấn ở Ngũ Hành Sơn (Đà Nẵng) và được các nghệ nhân đẽo gọt, chạm khắc những hoa văn độc đáo của dân tộc.
Tấm bia đá khắc bài thơ của Viễn Phương , đây được xem là bảng hùng ca về đất và người Củ Chi vực dậy lòng tự hào dân tộc, tự hào về quá khứ hào hùng của cha anh. Bản hùng ca giáo dục thế hệ trẻ với ngôn từ giàu sức biểu cảm, hào hùng và là một trong những bài văn bia được rất nhiều du khách khi đến nơi đều ghi chép lại.
Nhà thơ Viễn Phương
Sự nghiệp sáng tác của nhà thơ Viễn Phương gắn liền với hai cuộc kháng chiến vĩ đại của dân tộc. Nhiều tác phẩm xuất sắc của ông như Chiến thắng Hòa Bình, Anh hùng mìn gạt, Quê hương địa đạo... ra đời trong chiến trường Nam Bộ, nhà tù Mỹ - Diệm hay địa đạo Củ Chi. Truyện ngắn và ký của Viễn Phương cũng được đánh giá rất cao.
Viễn Phương, tên thật Phan Thanh Viễn (1 tháng 5 năm 1928 - 21 tháng 12 năm 2005), là đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam và là nhà thơ Việt Nam. Cuộc đời & sự nghiệpViễn Phương', quê gốc Tân Châu, An Giang. Thuở nhỏ ông đi học, đến khi Cách mạng Tháng Tám] bùng nổ (1945), ông đến đầu quân và được xếp vào Chi đội 23.
Chi đội này hoạt động trên một địa bàn rộng lớn thuộc đồng bằng sông Cửu Long. Từ cảm xúc có thật trên mỗi chặn đường chiến đấu gian khổ, những bài thơ của ông đã lần lượt ra đời, và được đăng trên báo 'Tiếng Súng Kháng Ðịch', là tờ báo duy nhất của Khu 9 Nam Bộ lúc bấy giờ.
Năm 1952, Nam Bộ tổ chức giải thưởng tổng kết văn học nghệ thuật lấy tên Giải thưởng Cửu Long, thì trường ca 'Chiến thắng Hòa Bình' của ông được xếp giải nhì về thơ.
Không lâu sau, Chi hội Văn nghệ Nam Bộ tổ chức đại hội, ông được bầu vào Ban chấp hành. Năm 1954, cuộc kháng chiến chống Pháp kết thúc, ông được phân công về Sài Gòn hoạt động.
Về Sài Gòn, ông đi dạy học, làm thuê kiếm sống nhưng công việc chủ yếu vẫn là sáng tác văn thơ. Với bút hiệu Viễn Phương, ông làm thơ và viết truyện đăng trên một số tờ báo ở Sài Gòn như Nhân loại, Hừng sáng, Công lý...
Do những bài viết có nội dung chống đối, năm 1960, ông bị nhà cầm quyền Sài Gòn bắt giam ở Chí Hòa. Trong tù, ông vẫn tiếp tục làm thơ.
Sau khi ra tù (1962), ông rời Sài Gòn vào chiến trường Củ Chi tiếp tục chiến đấu và làm thơ.
Sau sự kiện 30 tháng 4, 1975, ông liền được bầu làm Chủ tịch Hội Văn nghệ Giải phóng Thành phố Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội liên hiệp Văn học Nghệ thuật Thành phố Hồ Chí Minh và được bầu vào Ban chấp hành Hội Nhà văn Việt Nam.
Ngoài bút danh Viễn Phương, ông còn lấy bút danh 'Phương Viễn' và cũng sáng tác cả văn xuôi. Ông nổi tiếng với bài thơ 'Viếng lăng Bác' (Kim Son phổ nhạc) đã được đưa vào giảng dạy ở trường phổ thông. Ông được tặng Giải thưởng Nhà nước về Văn học nghệ thuật năm  1995.
Nhà thơ Viễn Phương mất ngày 21 tháng 12 năm  2005 tại  Thành phố Hồ Chí Minh.
·  Nội dung bài văn bia:
Vùng đất sáng ở Miền Nam Tổ quốc, nửa tiếp Trường Sơn, nửa nối đồng bằng. Chống xăm lăng từ Trương Định, Trương Quyền, máu dũng sĩ chảy tràn sông suối. Thuở đất nước đắm chìm trong tăm tối, Nguyễn Tất Thành tím ruột xót non sông, tìm hướng tương lai, khói phủ Bến Nhà Rồng. Tiếng máy chém đầu văng trong ánh thép, nhân dân quằn quại dưới xiềng gông, đạn bom rơi xác ngã chất chồng, người chết không yên, tan mồ nát mả. Giặt quyết đẩy dân ta lùi về thời đồ đá.
Tiếng Bác Hồ: "Dù đốt chảy dãy Trường Sơn..." Muôn triệu trái tim sôi sục căm hờn. Đôi tay yếu mẹ đẩy lùi máy chém, tấm thân gầy mẹ cản xích xe tăng. Nước mắt chảy vào tim mẹ tiễn con ra trận. "Không có gì quý hơn độc lập tự do" lớp lớp lên đường.
Tuổi trẻ ! Tuổi anh hùng như đại bàng vỗ cánh "Đâu có giặc là ta cứ đi!" Thành phố Sài Gòn, vì sao lấp lánh: Thề chết đứng chẳng sống quỳ. Những đoàn quân đẹp tợ thiên thần, đạp đỉnh Trường Sơn, vượt sông Cửu Long tiến về Thành phố. Đêm lảnh lót tiếng ca quan họ, nghe ngọt ngào điệu hát cải lương, họ mái đẩy ngân nga dìu dặt, giọng bài chòi tha thiết nhớ thương. Mừng họp mặt bốn phương dũng sĩ, quê hương ta ra ngõ gặp anh hùng. Lính chủ lực về quê mình làm du kích. Cả nước vì Sài Gòn vì cả nước quyết hy sinh. Moi ruột đất ẩn sâu vào lòng đất, trái tim thành chiến hào, ánh mắt hóa vì sao, bàn tay thành lưỡi kiếm. Vũ khí thô sơ ngựa trời, mìn gạt, địa đạo dài theo thế trận lòng dân, du kích lập vành đai diệt Mỹ, bắn tỉa ngày đêm xuất quỷ nhập thần. Biệt động Thành đánh giữa Sài Gòn, tàu chiến sân bay, kho xăng bốc nổ - lòng dân lửa dậy, ngày xuống đường, đêm không ngủ, đạp rào gai, che họng súng, liều thân mình cho Tổ quốc tồn sinh. Lũ giặc nước kinh tâm, bom tấn, pháo bầy, thần sấm, con ma, B52 rãi thảm.
Thần, người căm giận.
Ầm, Ầm chiến dịch Hồ Chí Minh.
Như bão gầm, như thác lũ, dũng tướng, tinh binh, bạt núi, san đèo, tiến về Thành phố.
Rạp trời cờ đỏ
Trúc chẻ ngói tan
Quét sạch hung tàn
Quê hương giải phóng
Chiến thắng lớn từ hy sinh to lớn.
Ai đếm khăn tang, ai đong máu chiến trường?
Con của mẹ ra đi không bao giờ trở lại, mẹ khóc mỗi hoàng hôn...chim bay về núi tối rồi.
Máu hồng toả hương chính khí
Nhân kiệt làm nên địa linh.
Đất nước lớn vì nhân dân anh hùng,
Nhân dân lớn vì tấm lòng yêu nước.
Người đang sống nhớ thương người đã khuất,
Khắc đá làm bia dựng giữa đất trời.
Những anh liệt như ngàn sao tỏa sáng,
Đời đời sau chiếu mãi giữa tim người.

Đền chính


Kiến trúc mang dáng dấp đền đài cổ của Việt Nam. Điện thờ bố trí theo hình chữ U: trung tâm là bàn thờ tổ quốc trang nghiêm được bố trí theo kiểu đình Việt Nam. Chính giữa có tượng Chủ tịch Hồ Chí Minh, phía trên ghi: Vì nước quên mình.
Tổ quốc ghi công
Đời đời ghi nhớ.
Tả, hữu là hai hương án thờ các bậc tiền hiền tiên liệt và đồng bào, chiến sĩ đã hy sinh, chưa tìm được tên. Hai bên là 2 bức tượng hạc đội rùa oai nghiêm và linh thiêng.
Dọc theo các bậc tường bên trái là tên liệt sĩ khối dân chính Đảng, các bậc tường bên phải là tên liệt sĩ lực lượng võ trang. Đây được xem là nơi chứa danh sách các anh hùng liệt sĩ đã ngã xuống, hy sinh vì đất nước cùng tụ hội về đây. Có tất cả 44.379 bia anh hùng liệt sĩ được tạc tại gian chính điện cùng phối thờ.
Phía bên phải chính điện có để một cái trống to lớn.

Tháp

Tháp chính đền Bến Dược
Thể hiện cho sự vươn lên đỉnh cao trong tương lai. Tháp có 9 tầng cao 39m, trên vách tháp có nhiều hoa văn, phù điêu thể hiện cuộc sống và chiến đấu của nhân dân Củ Chi Đất thép thành đồng.
Hoa viên
Hoa viên rộng lớn là nơi sinh hoạt dã ngoại, và là không gian xanh của khu di tích.

Tượng đài sông Bến Dược

Tượng đài cao 16m, nặng 243 tấn, được làm bằng đá granit đặt giữa vườn hoa mặt hướng ra sông Sài Gòn. Biểu tượng được thể hiện qua hình tượng một giọt nước mắt, khái quát về sự đau thương mất mát của bao thế hệ người Việt Nam đã chiến đấu hy sinh để giữ gìn đất nước.

Tầng hầm

Tầng hầm của đền có 9 không gian, với chủ đề Sài Gòn Chợ Lớn kiên cường bất khuất, thể hiện lại các sự kiện tiêu biểu trong giai đoạn chiến tranh của quân và dân trong vùng tam giác sắt nói riêng và dân tộc Việt Nam nói chung chống lại cuộc chiến tranh phi nghĩa của đế quốc và bọn tay sai. Các sự kiện ấy được tái hiện sinh động bằng những bức tranh hoành tráng, tượng, sa bàn, hiện vật, mô hình sân khấu hóa, các loại hình nghệ thuật kiến trúc, điêu khắc . . .

Bức tranh gốm lớn nhất Việt Nam

Bức tranh gốm này gồm 3 tấm, ốp trên tường mặt ngoài của đền Bến Dược (Củ Chi) vào tháng 8/2001. Tác phẩm do các giảng viên - họa sĩ trường Đại học Mỹ Thuật TP.HCM thể hiện qua ba bức tranh tường hoành tráng, ca ngợi lịch sử khai phá, xây dựng và bảo vệ vùng đất Sài Gòn - Gia Định từ xưa đến ngày đại thắng mùa xuân 1975.
Tranh được ghép bởi các viên gạch gốm kích thước 20 x 20cm và 10 x 10cm. Bức thứ nhất diễn tả nội dung “Dân khai hoang, Thần lập xứ”, thể hiện 5 chương: chương thứ nhất: đấu tranh với thiên nhiên trong quá trình chinh phục miền đất mới; chương thứ hai là khai hoang; chương thứ ba: ở giữa là người có công mở đất: Lễ thành hầu Nguyễn Hữu Cảnh, bên phải mô tả sinh hoạt kinh tế: xây thành, lập chợ…, bên trái là sinh hoạt văn hóa như: đám rước, múa lân; chương thứ tư là thành quả trong cuộc sống và chương thứ năm là đấu tranh chống xâm lược.
Bức này do 3 giảng viên của trường Đại học Mỹ Thuật sáng tác và thi công: Nguyễn Trung Tín, Nguyễn Đức Hòa, Nguyễn Quang Cảnh. Bức thứ hai thể hiện nội dung “Sức tiếp sức chống xâm lăng”, tác phẩm này cũng thể hiện năm nội dung: đường Hồ Chí Minh trên biển, chi viện từ hậu phương lớn, xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước, lớp lớp thanh niên lên đường, chi viện tại chỗ: miền núi, Tây Nguyên, đồng bằng. Chi viện từ trong lòng địch và cuối cùng là hoạt động nội thành. Tác phẩm này do các họa sĩ: Lê Đàn, Phan Hoài Phi, Phan Phương Trực, Nguyễn Xuân Đông, Đỗ Mạnh Cường thể hiện. Bức cuối cùng thể hiện hai giai đoạn lịch sử. Phần một “Nhân dân ta bị đô hộ áp bức”, phần hai là “Đoàn kết, đấu tranh giành thắng lợi”. Tác phẩm này do ba giảng viên thực hiện đó là họa sĩ Hoàng Trầm, Nguyễn Quang Vinh, Nguyễn Huy Khôi. Để hoàn thành bức tranh gốm lớn nhất này các hoạ sĩ đã làm việc liên tục bốn năm với hàng trăm phác thảo, thể hiện trên giấy theo tỷ lệ 1/1, rồi lại thể hiện lên gạch gốm sau đó tô màu, rồi phơi cho khô màu và đem bỏ lò nung thử nghiệm nhiều lần tại lò gốm của ông Nguyễn Hải Bằng, xã Phú Mỹ, tỉnh Bình Dương.
Khu du lịch sinh thái văn hoá dân tộc thiểu số Củ Chi
Chuyến hành hương về Củ Chi không phải để trở về địa đạo một thời anh hùng của người dân đất thép mà là để tìm về chốn yên bình với thiên nhiên, với những gì hoang sơ và độc đáo.

Khu du lịch sinh thái văn hóa dân tộc thiểu số Củ Chi
Chỉ cách trung tâm Tp.HCM 50km, nghĩa là khoảng hơn một giờ đi xe máy thôi, nhưng ở khu du lịch sinh thái văn hóa dân tộc thiểu số Củ Chi, hơi thở gấp gáp và cái dáng vẻ vội vã quay quắt của thành phố dường như không còn nữa. Người ta tạm quên mình còn công việc và cả những mối lo toan, để những nhân viên hướng dẫn đưa đi hết 20ha của khu sinh thái.
Những cỗ xe ngựa mộc mạc thay cho xe gắn máy lộc cộc gõ móng trên lối nhỏ sẽ đưa chúng ta dạo quanh khu du lịch. Hoa viên phượng vĩ vào mùa rực lửa, cháy khát khao nỗi niềm mùa hạ. Khu biểu diễn vịt độc đáo đến mức nhiều người nghĩ họ đang được đến vườn chim Jurong ở Singapore. Khác chăng chỉ là màn biểu diễn của gần 300 diễn viên vịt nhào lộn hết sức ngoạn mục thay cho tiếng chim hót. Bỏ lại sự ồn ào của những chú vịt, chúng tôi đến sân khấu ca múa nhạc dân tộc thiểu số. Những vũ điệu, lời ca của người dân Tây Nguyên như nhắc con người sống có tình hơn. Đến Mê Cung Trúc, không chỉ giới trẻ mà cả người có tuổi đều thích thú với sự bất ngờ của khu nhà 5 căn được làm từ hơn 2.000 cây trúc. Nơi đây, những lối đi ngắt khúc, quanh co và cả những lối đi ảo trong mỗi tầng nhà khiến người chơi trò mê cung khó tả hết cảm giác hồi hộp. Cơm lam, bánh tráng phơi sương, bánh kẹp đậu phộng hay rượu cần chỉ là vài món ăn dân dã mà người dân tộc ưu ái mời khách nếm qua, để thấy cái tình người nơi đây nó đậm đà, thơm thảo lắm. Trước khi về với hiện đại của thành phố, đừng quên mua vài món quà thủ công mỹ nghệ của các dân tộc thiểu số ở gian hàng bán quà lưu niệm, để nhớ mình đã có lần về với Củ Chi.
Ấp 4, xã Nhuận Đức, Củ Chi, TP Hồ Chí Minh.
Điện thoại: (84-8) 792 8922

Làng nghề Một thoáng Việt Nam

Làng nghề truyền thống Một thoáng Việt Nam nằm ven sông Sài Gòn thuộc xã An Phú của vùng đất thép thành đồng Củ Chi, cách trung tâm TP.HCM khoảng 60 km. Được triển khai đầu tư xây dựng từ năm 1991 với mục tiêu không chỉ làm du lịch mà còn nhằm khôi phục, phát triển nghề truyền thống dân tộc, tạo việc làm cho người dân địa phương. Kinh phí đầu tư đến nay đã hơn 98 tỷ đồng.
Khu du lịch “Một Thoáng Việt Nam” là một quần thể làng nghề thủ công truyền thống, với diện tích 22,5 ha đất bưng biền, nằm cạnh rạch Bò Cạp, gần sông Sài Gòn. Khu du lịch bao gồm 30 hạng mục với: đền thờ đất nước, sa bàn nước Việt Nam, lầu vọng, ba khu tiêu biểu cho ba miền đất nước. Bên cạnh là khu văn hóa ẩm thực, đảo nuôi chim thú tự nhiên, khu chợ hàng tiểu thủ công nghiệp, chợ trên sông, vườn cây ăn trái…
Gọi là làng nghề vì Một thoáng Việt Nam tập hợp nhiều nghề đặc thù, nổi tiếng từ nhiều miền đất nước như nghề làm giấy dó, dệt tơ lụa, thổ cẩm, mộc, thêu, tranh ghép gỗ, gốm sứ, chế biến mía đường, đan lát mây tre, v.v…
Các nghệ nhân, thợ thủ công hay nông dân đều là “người thật việc thật”, không phải là kẻ sắm vai. Họ đang làm đúng công việc quen thuộc, đúng nghề cha truyền con nối của mình. Chỉ khác ở chỗ, họ được tập trung vào cùng một nơi và không phải lo đầu ra cho sản phẩm.
Ở đây, những người thợ thủ công, nông dân, nghệ nhân… thuộc nhiều dân tộc khác nhau, đến từ những miền quê khác nhau cùng lao động sản xuất bên nhau trong một số nghề truyền thống tiêu biểu như: đan lát mây tre, dệt tơ lụa và thổ cẩm, gốm sứ, chằm nón, thêu ren, làm giấy dó, in khắc tranh, điêu khắc đá, điêu khắc mộc, chế biến mía đường, canh tác lúa nước, nuôi trồng thủy sản, ươm trồng hoa lan, cây cảnh, chăn nuôi gia súc, gia cầm…Du khách khi đến thăm khu du lịch “Một Thoáng Việt Nam” sẽ lưu lại những ấn tượng sâu sắc về đất nước Việt Nam.
Một thoáng Việt Nam cũng chính là một bảo tàng ngoài trời khi có nhiều khu trưng bày hàng trăm hiện vật cổ, từ trống đồng đến cọc gỗ Bạch Đằng thứ thiệt mà không phải bảo tàng nào cũng có được.
Đặc biệt khu tái hiện kiến trúc nhà ở của các vùng miền, các dân tộc khá ấn tượng. Từ ngôi nhà vườn Huế cây trái xum xuê, sang nhà Bình Định “thông minh” – mát mùa hè, ấm mùa đông, đến ngôi nhà rông Tây Nguyên vươn cao vững chãi, hay nhà người Mông thoang thoảng hương gỗ thông, đều do chính tay người bản địa và đồng bào dân tộc thi công, chăm chút.
Một thoáng Việt Nam còn là khu du lịch hấp dẫn, khi ở đây có đủ bài bản của một địa chỉ có khả năng bắt khách tham quan phải đưa tay vào ví. Những dịch vụ như khu vui chơi, nghỉ dưỡng sẽ đến, sau khi du khách bị hấp dẫn bởi những món đồ thủ công mỹ nghệ được sản xuất ngay trước mắt mình, hoặc mùi vị của những món đặc sản nhiều vùng miền xông thẳng vào khứu giác.
Nhiều khách tham quan không cưỡng được sự hiếu kỳ trước những động tác gọn gàng, điêu luyện của người thợ làm giấy dó, hay trố mắt ngạc nhiên khi lần đầu tiên trong đời thấy những hạt đường thành hình từ lò nấu đường thủ công… Nếu cho phép người xem trực tiếp tham gia, như thử vài đường thêu, nặn thử một lọ gốm, thì hiệu quả càng cao.
Địa chỉ: ấp Phú Bình, xã Củ Chi, huyện Củ Chi, TP Hồ Chí Minh
Điện thoại: (84) (08) 22181465 * Fax: (84) (08) 37980141

THÔNG TIN CHUYỂN KHOẢN

TÊN TÀI KHOẢN

SỐ TÀI KHOẢN

NGÂN HÀNG

DZOÃN TIẾN ĐẠT

182086999

ACB – Phòng GD Thanh Đa

DZOÃN TIẾN ĐẠT

4214 9435 1428 4673

ACB – TP.Hồ Chí Minh

DZOÃN TIẾN ĐẠT

190 24477236 001

TECHCOM BANK BÌNH THẠNH

DZOÃN TIẾN ĐẠT

711A 21 56 12 02

VIETIN BANK CHI NHÁNH 4

DZOÃN TIẾN ĐẠT

04001012919753

MARITIME BANK - CN HCM

DZOÃN TIẾN ĐẠT

0531002465645

VIETCOMBANK – CN ĐÔNG SÀI GÒN

Công Ty TNHH Du Lịch Đồng Hành Việt Sài Gòn

060054459141

SACOMBANK – CN BÌNH THẠNH

1.Thanh toán bằng tiền mặt hoặc chuyển khoản tới tài khoản của ngân hàng Dong Hanh Viet Saigon Travel như sau: (khách hàng chịu phí chuyển khoản Ngân hàng)

2. Việc thanh toán được xem là hoàn tất khi Dong Hanh Viet Saigon Travel nhận được đủ tiền trước lúc khởi hành 3 ngày (ngày làm việc) hoặc theo hợp đồng thỏa thuận giữa hai bên.

3. Bất kỳ mọi sự thanh toán chậm trễ sẽ dẫn đến việc tự động hủy bỏ việc đăng ký chương trình du lịch (khách lẻ) và giải quyết theo hợp đồng đã ký (khách đoàn).